Theo ông Trương Đức Trí - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và biến đổi khí hậu tại Hội thảo Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam lần thứ V tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 7 năm 2014, Hệ quả của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước và suy thoái môi trường; làm tăng khả năng bị tổn thương, là nguy cơ làm chậm quả trình phát triển kinh tế - xã hội hoặc làm mất đi nhiều thành quả đạt được
Mặc khác, hiện nay mô hình phát triển thông thường của các nước đang phát triển là dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng lao động giá rẻ, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững. Vấn đề biến đổi khí hậu tạo cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy phát triển, tìm ra mô hình và phương thức phát triển theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, trong các Nghị Quyết, Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam ban hành đều xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu.
Báo cáo này bước đầu đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu, qua đó, xác định những vấn đề còn tồn tại hạn chế nhằm đưa ra được các đề xuất kiến nghị cần triển khai trong thời gian đến.
1. Các chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu
Từ năm 2005, sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, một số chính sách, pháp luật trực tiếp liên quan đến biến đổi khí hậu được ban hành như Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu; nghị quyết số 60 của Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2007), chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2008), chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (năm 2011), chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh (năm 2012).
Bên cạnh đó, các chính sách, pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu cũng đã được đề cập ở một số lĩnh vực liên quan như tài nguyên nước, đa dạng sinh học, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, thuỷ lợi, giao thông, năng lượng, công nghiệp, y tế, môi trường…
Như vậy, vấn đề biến đổi khí hậu trong chính sách và pháp luật Việt Nam được tiếp cận theo cả hai hướng: chính sách pháp luật chuyên đề về biến đổi khí hậu (bao gồm 3 trụ cột: thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, liên ngành) và bước đầu được lồng ghép trong chinh sách pháp luật của một số ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp.
2. Kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu
Kể từ khi các chính sách pháp luật chuyên biệt về biến đổi khí hậu được ban hành, khởi đầu là Nghị quyết số 60 của Chính phủ (năm 2007) theo đó là sự ra đời của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2008), có một dấu mốc vô cùng quan trọng. Từ đây, cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của chính phủ Việt Nam đối với việc chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, và thông qua đó là sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam tăng lên đáng kể. Một số chương trình hợp tác tiêu biểu là:
- Chương trình “Thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu” do Chính phủ Đan Mạch tài trợ (năm 2008). Thông qua Chương trình, một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu triển khai thí điểm ở hai tỉnh Quảng Nam và Bến Tre đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Kết quả đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân; mạng lưới trạm đo mưa tự động cho khu vực miền Trung, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long được tăng cường, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai, lũ lụt gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Chương trình SP-RCC do JICA, Nhật Bản và AFD, Pháp khởi xướng năm 2009. Đến nay đã có thêm WB, Canada, Australia, Hàn Quốc tham gia. Thông qua chương trình, trong 4 năm đã có trên 200 hành động chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu (gồm 3 trụ cột: thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khung thể chế và chính sách liên ngành) với 14 nhóm mục tiêu đã xây dựng và thực hiện; Hình thành được diễn đàn đối thoại chính sách về biến đổi khí hậu giữa các Bộ, ngành, nhà tài trợ, các tổ chức Phi chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời thiết lập được cơ chế điều phối và hợp tác giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các cơ quan chính phủ và các nhà tài trợ.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã huy động được gần 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ và danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. HIện nay một số dự án ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung đã được bố trí vốn để triển khai thực hiện;
- Thoả thuận đối tác chiến lược Việt Nam – Hà Lan về thich ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp Đồng bằng Sông Cửu Long (Nguồn: VOV)
Sau gần 3 năm triển khai thoả thuận, tháng 12 năm 2013 phía Hà Lan đã đệ trình Chính phủ Việt Nam Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu duy trì một vùng đồng bằng thịnh vượng, về cả kinh tế và xã hội dựa trên việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó tốt với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Kế hoạch hành chỉ ra những yếu tố không chắc chắn và thách thức mà đồng bằng phải đối mặt trong từng giai đoạn cho đến năm 2100, đồng thời xác định các biện pháp “không hối tiếc” và các giải pháp ưu tiên trong từng giai đoạn phát triển.
- Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam” do chính phủ Na Uy tài trợ để Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực về thể chế và kỹ thuật ở cấp quốc gia để thực hiện REDD+, đồng thời triển khai thí điểm các mô hình thực hiện REDD+ tại một số địa phương.
Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực, chủ động của các Bộ, ngành, địa phương cũng đã đem lại những kết quả đáng kể, đặc biệt là năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu đã có những bước tiến đáng kể. Một số kết quả chính đạt được là:
- Nhận thức về biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp, tổ chức và người dân đã có bước chuyển biến tích cực.
Thời gian qua, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu đã được thực hiện ở cấp TW và địa phương. Qua đó, nhận thức của các ngành, các cấp về biến đổi khí hậu, về nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu đã có chuyển biến tích cực. Năng lực ứng phó đã được nâng lên, đặc biệt ở cấp trung ương và các tỉnh thí điểm của chương trình.
- Thể chế, chính sách, bộ máy tổ chức về biến đổi khí hậu bước đầu được thiết lập
Bên cạnh việc xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu, bộ máy tổ chức về biến đổi khí hậu bước đầu được thiết lập như thành lập uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu, hình thành đơn vị đầu mối ở trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để thực hiện công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, các bộ ngành, các địa phương cũng đã có cơ quan đầu mối về biến đổi khí hậu.
- Nhiều hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện
Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được xây dựng, cập nhật và công bố; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến từng lĩnh vực, từng khu vực và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của từng Bộ, ngành, địa phương cũng đã được xây dựng và ban hành; một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai.
Tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và tái tạo, các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được triển khai. Người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu chủ động đầu tư khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
- Vai trò, vị thế của Việt Nam được nâng cao và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để được tăng cường
Bên cạnh sự hỗ trợ công nghệ, tài chính như đã nêu ở trên, nhiều cơ chế quốc tế mới được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phát triển lựa chọn Việt Nam để hợp tác như Cơ chế phát triển sạch CDM, Cơ chế tín chỉ chung JCM, Xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs), các hoạt động trong khuôn khổ đôi tác thị trường car-bon PMR…
3. Hạn chế, yếu kém
- Nhận thức về biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thống nhất về nguy cơ cũng như cách thức ứng phó
Hiểu biết, nhận thức về biến đổi khí hậu còn chưa sâu, chưa nhận biết, nhận dạng về biến đổi khí hậu nhiều nơi chưa rõ, chưa đánh giá đầy đủ các tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu mới chỉ được coi là nguy cơ mà chưa được xem là cơ hội để thúc đẩy theo hướng phát triển bền vững. Nhận thức về sự cần thiết phải lồng ghép biến đổi khí hậu, cũng như sự cần thiết trong công tác phối hợp liên ngành, liên vùng để ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được quan tâm đúng mức.
- Hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về ứng phó với biến đổi khí hậu hình thành còn chậm
Chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu mới bước đầu được hình thành, chưa có hệ thông và thiếu đồng bộ, chưa rõ hướng đi và lộ trình. Các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn phân tán; các quy định về thích ứng chủ yếu về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Phần lớn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được bổ sung yếu tố biến đổi khí hậu. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước mới được thiết lập ở trung ương với đội ngũ cán bộ còn mỏng, chưa đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác nghiên cứu khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế.
- Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu đồng bộ, chưa đạt kết quả như yêu cầu của thực tiễn
Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phụ hậu quả mà chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa. Các hoạt động phòng chống thiên tai còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế.
Các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa được đẩy mạnh đúng mức. Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vẫn chưa được phát triển, sử dụng tương xứng với tiềm năng. Mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP còn cao hơn các nước trong khu vực.
4. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém
Những hạn chế, yếu kém nếu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức và tầm nhìn của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về công tác này chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn thiên về lợi ích kinh tế trước mắt, còn chưa coi trọng phát triển bền vững.
Một số chủ trương, chính sách, pháp luật chưa được quán triệt và thể chế hoá đầy đủ, kịp thời. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ; một số cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, thiếu tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, chưa rõ trọng tâm, trọng điểm và nguồn lực thực hiện.
Tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban ngành địa phương còn thiếu chặt chẽ; tổ chức thực hiện chưa thực sự chủ động, cương quyết; Chủ trương xã hội hoá chưa huy động được sự tham gia của các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Vấn đề quy hoạch vùng liên quan đến biến đổi khí hậu vẫn chủ yếu theo ngành, tính liên ngành gần như chưa được chú trọng
Nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu.
Mặt khác, chính sách và pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn đặt nặng vai trò của nhà nước trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chứ chưa tận dụng các nguồn lực xã hội và sự tham gia của các khối tư nhân, cộng đồng. Các quy định pháp luật hay cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của xã hội dân sự vào công tác này vẫn còn rất mờ nhạt.
Mai Hương
Cần cài đặt Flash Player để xem
» All
-Hướng dẫn chèn nhà chống bão
-Climate Change Animation -Climate change, energy & action
-The World's First CRO SUMMIT 100RC