Biến đổi khí hậu tiếp tục là ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ Pháp cho Việt Nam
07/09/2016 09:57:51

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, sáng ngày 6 tháng 9 năm 2016, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande đã có buổi gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam và Pháp đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quốc phòng, an ninh, hợp tác phát triển, thương mại và đầu tư, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, khoa học và công nghệ, đào tạo, pháp luật và tư pháp, văn hóa, hợp tác địa phương và hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp. Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm chung của hai nước đưa Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp ký tháng 9/2013 tiếp tục phát triển một cách sâu sắc trên tất cả các mặt.


 

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (Nguồn ảnh: Zing.vn)

 

Trong tuyên bố chung Việt – Pháp, một lần nữa, vấn đề biến đổi khí hậu tiếp tục được đề cập. Cụ thể, Việt Nam và Pháp đánh giá thành công của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Paris và việc ký Thỏa thuận Paris là bước tiến quan trọng trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam mong nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của Pháp cũng như của cộng đồng quốc tế để thực hiện các chiến lược quốc gia trong lĩnh vực này cũng như thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký Thỏa ước tín dụng cho Dự án hỗ trợ quản lý nguồn nước và cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh và thành phố Cần Thơ, đồng thời nhất trí xem xét khả năng Pháp tham gia vào các "dự án xanh" ở Việt Nam về điện mặt trời, năng lượng tái tạo, cải thiện hệ sinh thái, quy hoạch tổng hợp đa ngành thân thiện với môi trường, xây dựng đô thị thông minh.

 

Tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đại diện cho hỗ trợ của nước Pháp hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994. Vào thời kỳ đó, nhiều hộ gia đình Việt Nam có điều kiện sống khó khăn, cơ sở hạ tầng vẫn chưa hiện đại, đồng bộ. Với khả năng chuyên môn và tài chính, AFD đã đồng hành cùng Việt Nam nỗ lực giải quyết các yêu cầu cấp thiết nhất và chuẩn bị cho quá trình phát triển trong tương lai. Một mặt, AFD đóng góp cho quá trình hiện đại hóa khu vực sản xuất có tác động lớn đến môi trường và xã hội và hỗ trợ phát triển đô thị, khu vực dự kiến sẽ chiếm gần 1/2 dân số Việt Nam vào khoảng năm 2020. Mặt khác, AFD còn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nỗ lực giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét ở Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, AFD đã cam kết tài trợ cho Việt Nam hơn 1,6 tỉ EUR với 79 dự án. Gần 30 triệu người dân (tương đương với gần 1/3 dân số cả nước) được hưởng lợi từ các dự án của AFD.

 

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Vào năm 2009, AFD đã cùng với JICA (Japanese International Cooperation Agency) đề xuất với Chính phủ Việt Nam xây dựng Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (Support Program to Respond to Climate Change - SP-RCC). Chương trình là một sự hỗ trợ ngân sách qua nhiều năm (trong đó chu trình đầu tiên kéo dài 3 năm 2010 – 2012) nhằm hỗ trợ quốc gia triển khai những cam kết chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu. 

 

Chương trình này cung cấp hỗ trợ ngân sách dưới sự điều phối của Bộ Tài nguyên & Môi trường (MONRE) trên cơ sở một khung chính sách công được lập từ các văn bản chiến lược chính của Việt Nam liên quan đến biến đổi khí hậu. Các hành động được nêu tại khung chính sách này có nhiều dạng khác nhau, từ việc ban hành luật và quy định hoặc thực hiện các nghiên cứu cho tới triển khai thực tế các cơ chế tài chính hoặc các dự án thí điểm.

  

 

Hình ảnh AFD và Việt Nam (Nguồn hình: AFD.fr)

 

Từ năm 2010, thành phố Đà Nẵng là địa phương nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Chính phủ Pháp nói chung và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nói riêng. Bên cạnh những gói vay dành cho Quỹ Đầu tư Phát triển (DDIF) với số vốn lên đến 20 triệu USD, cùng với Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng, AFD đã hỗ trợ thành phố triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đến nay, kết quả nghiên cứu này là cột mốc quan trọng để thu hút và triển khai các chương trình giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, xây dựng tăng trưởng xanh, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường (low carbon) hướng đến phát triển bền vững. Tại cuộc họp vào tháng 7 năm 2016 giữa AFD Việt Nam với Văn phòng Biến đổi khí hậu, ông Remi Genevey, Giám đốc AFD cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thành phố Đà Nẵng triển khai các chương trình, dự án và hành động cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiết kiệm và sử dụng năng lương hiệu quả. 

 

Có thể nói, Văn phòng Biến đổi khí hậu tiếp tục đóng vai trò là cầu nối, điều phối và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam trong hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu ở cấp độ địa phương.