Vào sáng ngày 02/12/2016, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Công hòa liên bang Đức (BMUB) tài trợ, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo tuyên truyền về Thỏa thuận Paris và đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) của Việt Nam tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các nội dung được tập trung bao gồm: (1) Thông báo kết quả Hội nghị các bên lần thứ 22 (COP 22); (2) Chia sẻ thông tin về Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định và các điểm chính trong Thỏa thuận Paris; (3) Tạo diễn đàn trao đổi về đàm phán khí hậu và tác động của Thỏa thuận Paris đối với Việt Nam; và (4) Cập nhật Kịch bản Biến đổi khí hậu và Nước biển dâng cho Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện KTTVBĐKH; PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng, Viện KTTVBĐKH; Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục Trưởng Cục KTTVBĐKH; Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục KTTVBĐKH kiêm Phó Trưởng Đoàn đàm phán Việt Nam tham dự COP 22. Các đại diện Ủy ban Nhân dân, các Sở, Ngành liên quan, Trường đại học,… tại tỉnh Quảng Nam và các thành phố Đà Nẵng, Huế, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đến tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng thông báo đã có 112 bên/quốc gia phê chuẩn/ phê duyệt Thoả thuận Paris về khí hậu và ngay trước thềm tham dự Hội nghị COP22 vừa qua, Việt Nam đã phê duyệt Thoả thuận Paris về khí hậu và Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thoả thuận Paris về khí hậu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ Về việc phê chuẩn Thỏa thuận Paris và thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch Pari về BĐKH, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện và phổ biến rộng rãi về Thỏa thuận Paris ngay sau khi văn kiện có hiệu lực. Việc thông qua này được coi là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu cắt giảm 8% khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường từ nguồn lực quốc gia và con số này có thể tăng lên tới 25% nếu có sự hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Trình bày tại Hội thảo về Đóng góp do quốc gia tự quyết của Việt Nam, Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục Trưởng Cục KTTVBĐKH cho biết Việt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết của Việt Nam đến Hội nghị các bên Hiệp ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu vào ngày 30/9/2016. Theo đó, đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết của Việt Nam gồm hai hợp phần chính là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, Việt Nam dự kiến sẽ giải 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản nền BAU (vô điều kiện) và 25% (có điều kiện). Về các thông tin cập nhật trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biên dâng cho Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hiển – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn biển chia sẻ nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng 0,62oC trong giai đoạn 1958 – 2014. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác thường như mưa trái mùa, mưa lớn dị thường, hạn hán, lũ quét và bão lớn diễn ra thường xuyên hơn.
Biểu đồ nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam trong giai đoạn 1958 - 2014.
Hội thảo đã đem đến cho các đại biểu những thông tin cập nhật về quá trình đàm phán biến đổi khí hậu; những điểm nổi bật trong Thỏa thuận Paris cũng như những nội dung quan trọng trong Báo cáo về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đồng thời những điểm chính bản cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam. Những thông tin và kiến thức bổ ích do các báo cáo viên mang đến đã góp phần hỗ trợ cho công tác liên quan đến BĐKH tại địa phương.
Tất cả đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Công Anh
Cần cài đặt Flash Player để xem
» All
-Hướng dẫn chèn nhà chống bão
-Climate Change Animation -Climate change, energy & action
-The World's First CRO SUMMIT 100RC