Vu Gia - Thu Bồn là một trong 9 hệ thống sông lớn của Việt Nam và là sông liên tỉnh. Diện tích toàn bộ lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tính từ thượng nguồn đến cửa sông là 10.350 km2, tổng lượng nước bình quân hàng năm khoảng 20,22 tỷ m3. Vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng là phần thấp nhất của lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, dài khoảng 225km và thuộc về thành phố Đà Nẵng (đường bờ gần 100km) và tỉnh Quảng Nam (đường bờ khoảng 125km).
Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh nguồn tài nguyên nước, từ sông xuống biển còn rất nhiều tài nguyên khác như khoáng sản, rừng, nguồn lợi thủy sản, du lịch... làm cơ sở cho đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch, tiềm năng phát triển thủy điện… Tạo động lực cho tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và trở thành hình mẫu cho tương lai phát triển chuỗi đô thị miền Trung (đô thị hướng biển).
Với thực trạng các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước chưa hoàn toàn phù hợp đang trở thành yếu tố làm suy giảm chức năng của lưu vực, là yếu tố có thể gây trở ngại cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong tương lai. Đồng thời, việc phát triển thủy điện, mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành liên quan chưa được giải quyết thỏa đáng; cùng với sự thay đổi lớn về chế độ dòng chảy tự nhiên theo chiều hướng bất lợi, tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa, thiếu nước và xâm nhập mặn sâu hơn mùa khô, việc phần lớn lượng phù sa và bùn cát vận chuyển xuống hạ du và vùng bờ đã bị thay đổi, làm mất cân bằng động lực dòng sông, dòng hải văn ven bờ, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng quá trình sạt lở bờ sông và xâm thực bờ biển. Ngoài ra, nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng và cát, sỏi trái phép trên sông cũng là những tác nhân gây nên sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, gây biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông. Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ cho nguồn nước mà còn đến hệ sinh thái tự nhiên…
Vì vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, việc quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng là rất cần thiết và cần phải được khắc phục và giải quyết thông qua phương thức quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ. Nhận thấy tầm quan trọng đó, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành Trung ương để quản lý lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng và cùng ký kết Kết luận 26-KL/TUQN-TUĐN của Tỉnh Ủy Quảng Nam và Thành Ủy Đà Nẵng là cơ sở quan trọng để UBND hai địa phương tiếp tục thúc đẩy các hoạt động liên quan.
Sau Đối thoại bàn tròn về “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng” tổ chức tại Hội An vào ngày 24/11/2016, dưới sự chủ trì của đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, các đại biểu quốc tế và trong nước tham dự đã thảo luận và nhận thấy: (i) Quản lý tổng hợp (QLTH) lưu vực sông và vùng bờ biển (vùng bờ) theo cách tiếp cận ‘từ đầu nguồn xuống biển (R2R)’ là một phương thức quản lý không gian mới của thế giới cần áp dụng cho các vùng nước ‘xuyên ranh giới’ ở Việt Nam; (ii) Lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng hội tụ các đặc trưng cơ bản khi chọn làm trường hợp nghiên cứu điển hình ở Việt Nam để thử nghiệm cơ chế phối hợp liên tỉnh trong QLTH lưu vực sông và vùng bờ.
Ông Lê Trí Thanh và ông Hồ Kỳ Minh ký kết thỏa thuận phối hợp
giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cùng thống nhất, ký Thỏa thuận phối hợp giữa hai địa phương trong việc áp dụng thử nghiệm “Quản lý Tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng” vào ngày 21/12/2016 tại thành phố Đà Nẵng với mục đích (1) Tăng cường phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, giữa các ban, ngành và các bên liên quan để QLTH lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an toàn sinh thái (bảo tồn), môi trường; (2) Chia sẻ thông tin, khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan (các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trên cùng lưu vực; giữa nhà nước và cộng đồng dân cư trong vùng, và các BQL các khu bảo tồn thiên nhiên và di sản trong vùng); và (3) Thiết lập thử nghiệm một thể chế liên tỉnh-thành phố để QLTH lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng.
Với việc ký thỏa thuận này, các ngành, các địa phương sẽ hiểu hơn tầm quan trọng thiết yếu và lâu dài của tài nguyên nước trên lưu vực sông và vùng bờ đối với phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng; có Kế hoạch, quy hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước lưu vực sông và vùng bờ; Vấn đề quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước phải được đặt trong mối quan hệ với các hoạt động phát triển khác trong cùng lưu vực và vùng bờ, và trong mối liên kết giữa lưu vực sông ở thượng lưu và vùng bờ ở hạ du; quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển không thay thế quản lý ngành mà đóng vai trò kết nối, liên kết và điều chỉnh hành vi của các ngành trong quá trình quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng lưu vực sông và vùng bờ…
Mai Hương
Cần cài đặt Flash Player để xem
» All
-Hướng dẫn chèn nhà chống bão
-Climate Change Animation -Climate change, energy & action
-The World's First CRO SUMMIT 100RC