Đà Nẵng tiến gần hơn đến giai đoạn công bố Chiến lược chống chịu
15/08/2016 15:46:23

Thành phố Đà Nẵng đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành chiến lược về khả năng chống chịu, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 9 năm 2016. Ngày 10 tháng 8 năm 2016, Văn phòng Biến đổi khí hậu đã tổ chức hội thảo lần thứ 3 tham vấn các nội dung của chiến lược. Tham dự hội thảo có sự tham dự của nguyên lãnh đạo thành phố, các chuyên gia, và đại diện các Sở Ngành liên quan.

 

Cuộc họp tham vấn bao gồm 2 nội dung chính: trình bày tóm tắt báo cáo về chiến lược khả năng chống chịu và phiên thảo luận, đóng góp ý kiến của đại biểu nhằm hoàn thiện chiến lược. Về tổng thể, báo cáo chiến lược hân tích sự chuyển biến về khả năng chống chịu qua các giai đoạn lịch sử của thành phố; các thách thức hiện tại và dự báo trong tương lai trên quan điểm về khả năng chống chịu; từ đó thiết lập tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược và đề xuất các hành động, sáng kiến nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho thành phố.

 

Do các đặc điểm về vị trí địa lý và địa hình, thành phố Đà Nẵng rất dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, nắng nóng, hạn hán… Biến đổi khí hậu sẽ đồng thời làm gia tăng tác động bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan về mặt cường độ, tần suất, và khả năng dự đoán các tác động. Ngoài ra quá trình phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên toàn lưu vực cũng gây ra các tác động và áp lực cho thành phố trên các mặt về sinh kế, an sinh xã hội và an toàn cho người dân. Các tác động giao thoa của 2 yếu tố này được coi là các thách thức trọng tâm mà thành phố cần giải quyết, bao gồm:

 

- Làm thế nào để người dân thành phố được an toàn trước các thiên tai, hiểm họa, được tiếp cận việc làm và cùng xây dựng, phát triển thành phố?

- Làm thế nào để thành phố có nền kinh tế năng động trước quá trình hội nhập toàn cầu và người dân ổn định, mạnh mẽ hơn trước các cú sốc, áp lực?

- Làm thế nào để xây dựng thành phố với hạ tầng, môi trường có sự chuẩn bị và chuyển đổi, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững?

- Làm thế nào xây dựng thành phố có hệ thống thông tin được kết nối chặt chẽ và chia sẻ, góp phần cảnh báo sớm cho cộng đồng trước các thiên tai, hiểm họa?

 

Cách tiếp cận phân tích các thách thức trên quan điểm về khả năng chống chịu

Từ các phân tích nêu trên, chiến lược chống chịu của thành phố sẽ góp phần xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố: An bình, Năng động, Có sự chuẩn bị, chuyển đổi và Kết nối trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi. Với các mục tiêu cụ thể như sau: 

Một thành phố an bình: là nơi người dân được sống an toàn, làm việc và cùng nhau xây dựng, phát triển thành phố;

Một thành phố năng động: là nơi với nền kinh tế mà cộng đồng, doanh nghiệp đạt được những nhu cầu và cùng gắn kết với nhau để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu;

Một thành phố có sự chuẩn bị chuyển đổi: là nơi các hệ thống sinh thái được tái tạo, phục hồi và đảm bảo ứng phó với những thách thức trong quá trình phát triển;

Một thành phố kết nối: là nơi đảm bảo thông tin được chia sẻ đầy đủ trong các hành động ứng phó trước các cú sốc, áp lực.

 

Góp ý tại hội thảo, ông Huỳnh Phước thành viên Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật thành phố đánh giá cao các nỗ lực của Văn phòng trong việc xây dựng chiến lược. “Chiến lược đã phân tích, đánh giá khá chi tiết và chính xác về các vấn đề hiện trạng của thành phố. Các nhận định xác đáng, sát với thực tế này sẽ là cơ sở quan trọng để có thể đề xuất các sáng kiến, hành động để khắc phục các mặt hạn chế. Phương pháp tiếp cận cũng mang tính khoa học cao, thực hiện đánh giá lồng ghép và tổng hợp các lĩnh vực, đảm bảo yếu tố công bằng cho tất cả  các đối tượng dễ bị tổn thương” – ông Phước nhận định.

 

Về cơ bản, chiến lược đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên theo góp ý của ông Bùi Văn Tiếng – Hội Khoc học Lịch sử thành phố: “Một vấn đề quan trọng là cần đồng bộ hóa chiến lược với các kế hoạch hành động phát triển kinh tế xã hội của thành phố, nhằm nâng cao khả năng chống chịu cho thành phố một cách toàn diện và bền vững. Hiện nay, chủ yếu các hành động được đề xuất thực hiện từ các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài. Điều này sẽ tạo một tâm lý chủ quan từ phía các cơ quan của thành phố, không coi việc tăng cường khả năng chống chịu là nhiệm vụ trọng tâm, là vấn đề sống còn mà thành phố cần chủ động giải quyết từ chính các nguồn nội lực”.